Ngày 26-04-2024 21:33:42
 


Mọi chi tiết xin liên hệ với trường chúng tôi theo mẫu dưới :
Họ tên
Nội dung
 

Lượt truy cập : 6687840
Số người online: 10
 
 
 
 
CẦN ĐỔI MỚI VỚI TÂN BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ĐT
 
Báo nước ngoài nêu thách thức của tân Bộ trưởng Giáo dục - Mười đề xuất của một doanh nhân với tân Bộ trưởng Giáo dục - Giáo dục sẽ trả giá đắc vì thông tư 30 - Ba thách thức với tân Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo - Thay vì tích hợp, nên dạy 8 môn cơ bản.

Báo nước ngoài nêu thách thức của tân Bộ trưởng Giáo dục
http://danviet.vn/tin-tuc/bao-nuoc-ngoai-neu-thach-thuc-cua-tan-bo-truong-giao-duc-674962.html

Báo nước ngoài nêu thách thức của tân Bộ trưởng Giáo dục

Theo bài báo đăng trên tạp chí University World News, tình trạng cử nhân thất nghiệp là một trong những vấn đề nghiêm trọng, cần tân Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải quyết.



University World News, một trong những tạp chí hàng đầu về giáo dục đại học, vừa đăng bài của tác giả Phạm Hiệp (nghiên cứu sinh Đại học Văn hoá Trung Hoa tại Đài Loan, Trung Quốc), nêu những thách thức mà tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới.

Theo nội dung bài báo, nền giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt nhiều vấn đề như chất lượng suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, thiếu nguồn giảng viên chất lượng và mức độ quốc tế hóa thấp. Đây cũng là những thách thức đối với tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Trả lời phỏng vấn sau khi nhậm chức, ông Nhạ nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đại học trong việc "đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập sâu rộng".

Năm 2013-2014, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, vốn tuyển dụng nhiều cử nhân, do kinh tế suy thoái, khủng hoảng kéo dài.

 bao nuoc ngoai neu thach thuc cua tan bo truong giao duc hinh anh 1

Tân Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 3 tháng cuối năm 2015, khoảng 225.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp.

Tác giả bài báo cho rằng, một nghịch lý đang tồn tại ở nước ta. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất rơi vào nhóm cử nhân và trung cấp nghề, trong khi nhóm lao động chưa qua đào tạo lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội. Tình trạng này trái với xu hướng thất nghiệp chung.

Đây là vấn đề đáng nói khi các trường đại học vẫn tiếp tục đào tạo ra lượng cử nhân lớn.

Chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức, quản lý dự án EduTrigger, cho rằng, "giảm tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cần được đưa vào danh sách những việc phải làm ngay của tân Bộ trưởng Giáo dục".

Theo ông Nhạ, để giải quyết vấn đề này, việc “chuyển một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo, sang nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng" cần được ưu tiên.

Ông nói thêm, thời gian tới, Bộ GD-ĐT xem trọng việc đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy.

Dưới thời bộ trưởng cũ, Bộ từng đề xuất giảm số năm học đại học từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 4 năm, nhằm phù hợp hệ thống đại học tại các nước Đông Nam Á, đồng thời giảm việc học lý thuyết, chú trọng thực hành. 

Chính phủ ra Nghị quyết 77, thí điểm việc trao tăng quyền tự chủ cho 13 trường đại học. Theo đó, trường tự đưa ra chương trình giảng dạy, mở các khóa đào tạo và tự quyết định phương pháp nhằm tăng chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, nguyên nhân thất nghiệp không chỉ nằm ở chất lượng giáo dục bậc cao, mà còn liên quan các yếu tố bên ngoài như nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế và sự cạnh tranh từ nguồn lao động nước ngoài.

"Hệ thống kinh tế suy thoái đồng nghĩa số lượng công việc giảm, dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp" - Phạm Hải, quan sát viên giáo dục kiêm chủ một doanh nghiệp về ICT ở Hà Nội, nói.

Ông Nhạ kỳ vọng đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Tân bộ trưởng tốt nghiệp ngành Kinh tế từ Đại học Manchester, Anh và từng có thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Georgetown, Mỹ.

"Người được giao trọng trách đứng đầu ngành phải có cái nhìn toàn cầu, đủ năng lực bắt nhịp với xu thế thời đại" - ông nói.

Theo Nguyễn Sương (Zing)
Tag:  thách thức, tân Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, báo nước ngoài   

 

Mười đề xuất của một doanh nhân với tân Bộ trưởng Giáo dục

Xoá bỏ độc quyền sách giáo khoa, phổ cập tiếng Anh, phát triển dạy nghề... là những ý kiến của TS Lương Hoài Nam gửi đến tân Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ.

VnExpress giới thiệu bài viết của TS Lương Hoài Nam - một doanh nhân trong lĩnh vực Hàng không cũng là người nhiều năm quan tâm đến giáo dục trong nước và có hiểu biết về một số nền giáo dục trên thế giới.

Cụm từ "tị nạn giáo dục" được nhắc đến không ít lần, kể cả ở Quốc hội. Là một người dân với hai đứa con được cho sang Singapore và Anh ăn học từ trung học, biết khá rõ về giáo dục cả ở Việt Nam lẫn ở các nước này, tôi muốn đề xuất với tân Bộ trưởng Giáo dục mười nội dung sau đây.

muoi-de-xuat-cua-mot-doanh-nhan-voi-tan-bo-truong-giao-duc

TS Lương Hoài Nam.

Thứ nhất, cần xoá bỏ sự cào bằng giữa các học sinh về nội dung giáo dục. Khi các con tôi học ở Singapore và Anh, điều đầu tiên làm chúng tôi ngạc nhiên là số môn học giảm một nửa. Các cháu chỉ học 6 môn thay vì 12 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc cho luồng học được các cháu chọn, 3 môn hoàn toàn tự chọn. Lý do là cả Anh và Singapore đều phân luồng giáo dục ngay sau tiểu học 6 năm. Đức thậm chí phân luồng sớm hơn - sau lớp 4. Trung Quốc giống Anh - phân luồng sau lớp 6. Đó cũng là tinh thần chung của Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục của UNESCO (ISCED 1997 và 2011).

Mỗi học sinh có các tố chất và điều kiện khác nhau. Xã hội cũng cần người làm những công việc khác nhau. "Con cá" cần tập trung học bơi, được đánh giá theo năng lực bơi và ra đời đi bơi. "Con chim" cần tập trung học bay, được đánh giá theo năng lực bay và ra đời đi bay. Không thể dạy (và đánh giá) "cá" và "chim" với các nội dung giáo dục giống nhau trong suốt 12 năm học.

Thứ hai, cần xoá bỏ cào bằng giữa các nhà trường về mô hình trường học. Cần tránh thay thế sự rập khuôn này bằng sự rập khuôn khác. Thế giới có nhiều mô hình trường học tốt, một số mô hình đang được áp dụng ở các trường quốc tế tại Việt Nam. Dù VNEN tốt hơn mô hình trường học lâu nay ở ta, đừng quên rằng "Escuela Nueva" cũng chỉ là một mô hình trường học cho các địa phương nông thôn, miền núi ở Columbia từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Ở các thành phố Columbia trước đây và hiện nay vẫn có những mô hình trường học khác. Ngoài Mỹ La-tinh, chỉ có Việt Nam và Philippines triển khai mô hình "Escuela Nueva" và vì vậy chúng ta cần thận trọng. Nên để cho nhà trường (ít ra là các trường tư thục) lựa chọn mô hình trường học dựa trên bộ điều kiện tối thiểu do Bộ Giáo dục quy định. Hãy để các mô hình trường học cạnh tranh với nhau. 

Thứ ba, cần xoá bỏ cào bằng giữa các địa phương về chương trình giáo dục. Không thể có một chương trình giáo dục vừa tốt nhất cho Hà Nội, vừa tốt nhất cho Hà Giang, do điều kiện, nhu cầu của các địa phương này quá khác nhau. Cách làm phổ biến trên thế giới là Bộ Giáo dục quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu, các địa phương tự xây dựng chương trình giáo dục. Nếu địa phương không đủ nguồn lực, kinh nghiệm để làm việc này thì có thể thuê tư vấn, sử dụng chương trình của địa phương khác, hoặc sử dụng chương trình giáo dục tham khảo của Bộ Giáo dục.

Thứ tư, cần thực sự xoá bỏ độc quyền sách giáo khoa. Vấn đề này về cơ bản đã được nhất trí, nhưng việc thực hiện còn rất khó khăn, không phải không có những "rào cản kỹ thuật". Singapore có 14 nhà xuất bản tham gia xuất bản, kinh doanh sách giáo khoa, Bộ Giáo dục thẩm định và phê duyệt các bộ sách giáo khoa một cách trung lập. Vai trò trong việc xoá bỏ độc quyền sách giáo khoa là của các nhà xuất bản và tác giả sách giáo khoa làm việc với họ, không phải với Bộ. Nhà xuất bản không bắt buộc phải cung cấp cả bộ sách giáo khoa cho tất cả các môn học, cấp học. Còn việc chọn sách giáo khoa của nhà xuất bản nào là quyền của mỗi trường (do bộ môn kiến nghị).

Thứ năm, cần phổ cập tiếng Anh trong thời đại toàn cầu hoá. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Malaysia giai đoạn 2013-2025 (do UNESCO và OECD hỗ trợ), tiếng Anh không còn được coi là "ngoại ngữ" nữa, mà là "ngôn ngữ hai". Trình độ tiếng Anh trong học sinh, sinh viên Việt Nam đáng thất vọng, phần lớn thanh niên Việt Nam không sử dụng thành thạo được tiếng Anh sau 12 năm học phổ thông và 3-5 năm cao đẳng, đại học. Cần quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc, từ tiểu học đến đại học; các thứ tiếng khác là ngoại ngữ 2, 3... Kém tiếng Anh thì rất khó hội nhập quốc tế.

Thứ sáu, cần phát triển mạnh mẽ dạy nghề. Phù hợp với chính sách phân luồng giáo dục, các nước có nền giáo dục tiên tiến rất chú trọng dạy nghề. Dạy nghề là bộ phận không tách rời của hệ thống giáo dục quốc dân. Một số nước có hệ giáo dục này sau tiểu học và đa số các nước phát triển mạnh dạy nghề sau trung học cơ sở. Lớn nhất ở Singapore không phải là trường đại học, mà là ITE (Institute of Technical Education, là trường trung cấp nghề), với cỡ 40.000-45.000 học sinh, mỗi năm tuyển vào trên dưới 25.000 học sinh.

Bình quân OECD, số người có trình độ cao đẳng và đại học trong độ tuổi 25-64 tuổi chỉ chiếm 32%. Nước ta nên chuyển mảng dạy nghề từ Bộ Lao động về Bộ Giáo dục để thống nhất một hệ thống giáo dục quốc dân và phát triển mạnh mẽ dạy nghề; không nước nào tách dạy nghề khỏi Bộ Giáo dục như nước ta cả.

Thứ bảy, cần rút ngắn thời gian đào tạo thông qua phân luồng và liên thông. Vì không phân luồng, nên học sinh Việt Nam phải học dài hơn. Để học hết cao đẳng, học sinh phải học hết 12 năm phổ thông, 3 năm cao đẳng, thành 15 năm, bắt đầu đi làm ở tuổi 22. Để hết đại học, tổng thời gian học là 16-17 năm, bắt đầu đi làm ở tuổi 23-24. Ở Singapore, để học hết cao đẳng, tổng thời gian học chỉ 13 năm và bắt đầu đi làm ở tuổi 20, sớm hơn so với Việt Nam 2 năm. Để học hết đại học, tổng thời gian học là 15 năm, ngắn hơn so với Việt Nam 1-2 năm. Nhiều sinh viên ở Singapore học đại học hệ liên thông, với 3 năm cao đẳng cộng 1-2 năm đại học và ra đi làm với bằng đại học ở tuổi 21-22. Ở Đức cũng vậy, nếu đi theo luồng cao đẳng nghề, không nhất thiết phải học đủ 12 năm phổ thông như ở nước ta, mà chỉ cần học hết lớp 9 hoặc lớp 10.

Thứ tám, cần đổi mới dạy thêm. Học thêm là nhu cầu và nếu làm đúng thì rất tốt cho sự phát triển giáo dục. Vấn đề là, như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, dạy thêm phải được tổ chức độc lập với giáo dục chính quy. Mỗi giáo viên chỉ được dạy trong một hệ thống, không được vừa dạy chính quy ở trường, vừa dạy thêm ở trung tâm hoặc ở nhà. Mục đích của học thêm, dạy thêm phải vì nhu cầu thực sự của học sinh, không phải là để giải quyết nhu cầu cải thiện thu nhập của giáo viên hệ chính quy.

Việc tách giáo dục chính quy và dạy thêm là việc cần thiết phải làm, với một lộ trình 3-5 năm, sau đó không chấp nhận việc giáo viên đứng "chân trong, chân ngoài". Cần cải thiện thu nhập cho giáo viên hệ chính quy, nhưng không phải bằng cách kết hợp dạy thêm. Những giáo viên luyện thi giỏi có thể mạnh dạn rời biên chế nhà trường để chuyên dạy luyện thi. 

Thứ chín, cần đổi mới thi cử, tuyển sinh. Việc hoàn thiện thi cử, tuyển sinh trong thời gian qua là cần thiết, nhưng cũng cần thật sớm ổn định lĩnh vực này. Không có nước nào mà năm nào cũng thay đổi cách thi cử, tuyển sinh như Việt Nam. Thế giới có hai phương pháp tốt về thi cử, tuyển sinh: "tập trung" kiểu Anh (Singapore, Úc áp dụng, với vai trò chủ trì của Bộ Giáo dục) và "phân tán" kiểu Mỹ (dựa trên kết quả SAT, ACT, với vai trò quyết định và các điều kiện tuyển sinh bổ sung của từng trường). Nước ta nên nghiên cứu kỹ và chọn lấy một cách làm cho đồng bộ và bền vững.

Thứ mười, cần đào tạo lại, nâng cấp đáng kể chất lượng giáo viên, giảng viên. Đây là vấn đề lớn nhất, khó nhất, quyết định sự thành-bại của mọi nỗ lực cải cách giáo dục. Không có cách nào khác là phải quy định lại chuẩn kiến thức, kỹ năng cao hơn đáng kể đối với người dạy và có kế hoạch, chương trình đào tạo lại, nâng cấp trình độ giáo viên, giảng viên với một lộ trình 3-5 năm. Giáo viên, giảng viên nào sau khi được đào tạo lại mà vẫn không đáp ứng được chuẩn kiến thức, kỹ năng phải bị đào thải. Chúng ta không thể cải cách giáo dục thành công với những người dạy dưới chuẩn.

TS Lương Hoài Nam

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục sẽ phải trả giá đắt vì thông tư 30
"Nhiều giáo viên lo lắng trước tình trạng học sinh ngày càng lười biếng vì kết quả học tập không được đánh giá bằng điểm. Tôi xin gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lời cảnh báo".
Nhân dịp ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS. Nguyễn Minh Thuyết về các vấn đề còn tồn tại trong giáo dục hiện nay.

GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: "Bộ trưởng là một chính khách, cho nên vấn đề ưu tiên mà người dân trông đợi là chiến lược. Trong bối cảnh định hướng đổi mới giáo dục đã được vạch ra trong Nghị quyết 29 của BCHTW Đảng, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nhiều thuận lợi.

Nhưng chắc chắn là Bộ trưởng phải tìm được giải pháp hữu hiệu để thực hiện cho được Nghị quyết và chiến lược nói trên. Đồng thời cũng phải bắt tay vào việc chỉ đạo hoạch định Chiến lược phát triển giáo dục cho giai đoạn mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước.

Bên cạnh nhiệm vụ của một chính khách, Bộ trưởng còn là một nhà quản lý. Bởi vậy, Bộ trưởng sẽ phải quan tâm giải quyết một số vấn đề nóng trong giáo dục hiện nay như: Phát triển quy mô giáo dục đại học vượt quá khả năng hấp thu của thị trường lao động dẫn tới số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cao; hiện tượng lạm thu, chạy điểm, chạy bằng cấp, dạy thêm học thêm tràn lan…"

1
GS. Nguyễn Minh Thuyết

GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm, Bộ trưởng cũng cần kiểm tra xem trên thực tế, các cơ quan từ trung ương tới địa phương thực hiện quan điểm "phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu" như thế nào.

Đảng đã xác định phát triển giáo dục cũng như phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu nhưng thực tế giáo dục chưa bao giờ và còn rất lâu nữa mới có thể trở thành quốc sách hàng đầu. Cứ hỏi một năm cấp ủy, chính quyền dành bao nhiêu thời gian bàn thảo, giám sát, gỡ rối cho giáo dục; địa phương cấp bao nhiêu đất cho trường học, bao nhiêu đất cho sân golf, nhà hàng, khách sạn,… thì biết giáo dục được quan tâm đến đâu.

Dĩ nhiên đầu tư phát triển kinh tế là hết sức quan trọng nhưng sự chênh lệch giữa phát triển kinh tế với giáo dục lớn quá. Tại một số thành phố lớn, học sinh nhồi nhét 50-60 em/lớp. Tại các tỉnh miền núi trước kia chỉ có 20 học sinh/lớp giờ đây cũng tăng lên 30-40 học sinh/lớp; lớp học phần nhiều cũ nát, sập sệ...

Nói riêng về công tác quản lý thì ngành giáo dục nhìn chung rất có tinh thần cầu thị nhưng lại thay đổi chủ trương công tác nhanh đến mức các cơ sở giáo dục không bắt kịp được. Ví dụ, các kì thi thay đổi hình thức liên tục hay sự ra đời của Thông tư 30 cũng là sự thay đổi vội vàng, áp dụng một cách máy móc.

Chúng ta thấy một số nước trên thế giới không chấm điểm thì cũng học theo mà không xét đến điều kiện nước mình. Ở nước ngoài, người ta chỉ dạy 15-20 học sinh/lớp; thậm chí có nước bố trí đến 2 giáo viên trong một lớp tiểu học chỉ có 20 học sinh nên có thể nhận xét kĩ càng từng học sinh. Ở nước mình 40-50 học sinh/lớp, làm sao giáo viên có thể nhận xét kĩ càng được? Chính điều đó dẫn đến chuyện giáo viên phải tranh thủ viết nhận xét mọi lúc, mọi nơi mà vẫn không viết hết.

"Gần đây, nhiều giáo viên và lãnh đạo trường đều lo lắng trước tình trạng học sinh ngày càng lười biếng vì kết quả học tập không được đánh giá bằng điểm. Tôi xin gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lời cảnh báo: Giáo dục sẽ phải trả giá đắt vì Thông tư 30 này", GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Cũng về công tác quản lý, hiện nay Bộ GD&ĐT đang làm thay cơ sở quá nhiều, ví dụ quanh năm ngày tháng chỉ lo tổ chức thi trong khi đó là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục chứ không phải của Bộ. Điều này Bộ trưởng mới cũng nên xem xét và có những quyết định đúng đắn để tập trung vào những việc chính.

2
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ

Cũng liên quan tới vấn đề này nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho hay: "Chuyện thi cử trong những năm qua đã gây ra quá nhiều tranh cãi và tốn kém nhiều của cải. Giờ đây, thi THPT quốc gia Bộ nên giao cho Sở GD&ĐT, giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm vì họ là người trực tiếp đào tạo chứ Bộ GD&ĐT đừng "ôm đồm" quá nhiều.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Bộ chỉ nên giao chỉ tiêu rồi để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh, họ có thể tuyển bằng nhiều cách khác nhau miễn là đảm bảo chất lượng đào tạo.

Hơn nữa, quy định thi THPT quốc gia chỉ nên cho thi 4 môn là Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Học sinh học một cách toàn diện tại sao lại thi có 4 môn? Điều này sẽ kéo theo hệ lụy học sinh không chịu học những môn không phục vụ thi ngay từ bậc THCS. Vậy giáo dục của chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm bị què quặt, lệch lạc. Đó là lý do tại sao học sinh cấp 3 đứng trước gò Đống Đa nhưng không hề biết. Thậm chí, còn nói người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ là hai anh em.

Đương nhiên, đổi mới giáo dục theo hướng giảm tải áp lực cho học sinh nhưng vẫn cần phải kiểm tra sát sao nghiêm túc các môn khác để học sinh có ý thức học đều các môn.

Hi vọng trong thời gian tới tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có thể giải quyết được một số vấn đề cấp bách trên và nhận được sự ủng hộ và tín nhiệm của tất cả mọi người".

 

 
 
Ba thách thức với tân Bộ trưởng Giáo dục &  Đào tạo
 

Ba thách thức với tân Bộ trưởng Giáo dục

Vấn đề học thật và thi thật, tự do học thuật và dân chủ trong nhà trường là ba thách thức đối với tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, theo giảng viên Đại học Bách khoa Đào Tuấn Đạt.

Vài người bạn hỏi tôi, ông bộ trưởng mới lên đấy, cậu có cảm nghĩ gì? Tôi không có cảm nghĩ gì lúc đó và cũng không mấy quan tâm. Cho đến khi đọc được bài phỏng vấn Bộ trưởng trên VnExpress, tôi thấy nhẹ người và bắt đầu có niềm tin.

ba-thach-thuc-voi-tan-bo-truong-giao-duc

Thầy giáo Đào Tuấn Đạt.

Thứ nhất, nền giáo dục của chúng ta mà rộng hơn là xã hội đang rệu rã vì thiếu các giá trị nền tảng để hướng tới và gắn kết. Thay vào đó là phép liệt kê có tính chất khẩu hiệu các tính từ tốt đẹp để tự khen hoặc gợi ý cho người khác khen. Tuy ông không nói rõ trong bài phỏng vấn nhưng có thể ngầm hiểu triết lý và mục tiêu giáo dục của ông là “tạo nên con người nhân văn”, học để được sống vui vẻ trong một xã hội yên bình.

Bất cứ một chính sách nào của ngành giáo dục, bất cứ một hành động nào của nhà trường và thầy cô mà đều trả lời được câu hỏi, như thế có nhân văn không, có tốt nhất cho các học sinh không thì không đến nỗi gây nhiều băn khoăn lo lắng như hiện nay. Chúc tân Bộ trưởng giữ vững niềm tin vì một nền giáo dục nhân bản, dân tộc và hiện đại.

Thứ hai, ông đã chạm vào một trong những vấn đề cốt tử của giáo dục hiện nay là cách học tầm chương trích cú ăn sâu bám rễ bao đời nay. Thay vì chú trọng đến cốt lõi, đến tinh thần của vấn đề và tìm cách lý giải một cách khoa học thì lại mất thời giờ vào việc bẻ câu bẻ chữ, đánh tráo khái niệm, phân biệt cao thấp tầm thường. Vì chỉ chăm chăm vào việc tiếp cận nội dung nên việc học trở nên nặng nề, quá tải là tất yếu.

Thay vào đó, tân Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người. Giáo dục không phải vì bằng cấp mà vì sự hạnh phúc của con người”. Chỉ khi nhà trường dạy được cho học sinh cách học, để họ có khả năng tự học suốt đời mới giải quyết được căn cơ vấn đề chất lượng giáo dục.

Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó có ba vấn đề có thể coi là tiên quyết sau đây.

Một là vấn đề học thật và thi thật. Thi không phải mục tiêu của giáo dục nhưng chúng ta phải dũng cảm tổ chức các kỳ thi nghiêm ngặt. Phải chống được mọi hành vi gian lận trong nhà trường và trong thi cử. Vì các kỳ thi trong quá khứ diễn ra lỏng lẻo nên học sinh càng ngày càng trở nên lười biếng. Thay vì nỗ lực học tập thì họ tìm kiếm cơ may trong phòng thi và ở đền chùa miếu mạo. Vai trò của thầy cô và nhà trường ngày càng mất đi sự tôn trọng.

Nếu chúng ta đối diện được với việc tốt nghiệp lớp 12 thực chất chỉ khoảng 30% như nhiều thầy cô dự đoán thì mới mong có sự thay đổi thái độ học tập của học sinh. Mọi biện pháp, mọi nỗ lực đều không thể đạt hiệu quả nếu học sinh không chịu học. Vấn đề hiện nay không phải là chi bao nhiêu tiền cho các dự án giáo dục mà là có chống được gian lận hay không. Tôi tin nếu ông bộ trưởng quyết tâm thì xã hội sẽ đồng thuận. Không bố mẹ nào, thầy cô nào muốn con đi học mà lại chỉ thu được kết quả trên giấy. Không học thật thì làm sao có năng lực mà tự quyết các vấn đề của mình, chứ chưa nói đến vấn đề tự lực tự cường của cả một dân tộc.

Hai là vấn đề tự do học thuật. Không chỉ sách giáo khoa không phải là pháp lệnh, mà ngay cả chương trình cũng không phải là pháp lệnh. Chỉ người giáo viên đứng lớp mới biết phải lựa chọn nội dung gì và dạy như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất cho học sinh của mình. Bộ Giáo dục có chương trình chi tiết nhưng người giáo viên đứng lớp có quyền cắt bỏ hoặc thêm bớt để phù hợp với học sinh. Tình trạng hiện nay là biết học sinh không hiểu, không tiếp thu được nhưng vẫn phải dạy cho hết bài.

Ở đại học, mấy chục năm giáo trình vẫn như cũ và các môn không phải chuyên môn vẫn chiếm quá nhiều thời gian. Quyền tự quyết của ông thầy về chuyên môn hầu như không có thì làm sao họ là kỹ sư tâm hồn được. Các thầy cô thường buộc phải tuân theo các chỉ thị hành chính và hưởng ứng các phong trào, dù họ biết không hiệu quả với học sinh của mình. Mọi mệnh lệnh hành chính cho các vấn đề thuộc chuyên môn đều dẫn tới thất bại và chỉ cho ra các kết quả giả tạo.

Ba là vấn đề dân chủ trong nhà trường. Hãy để cho học sinh nói lên suy nghĩ của họ trong mọi vấn đề liên quan. Các giáo viên được “cho điểm” cấp trên của họ hàng năm. Và ông bộ trưởng công bố online dự kiến chính sách, lý giải các quyết định của mình để cho giáo viên, học sinh và những người quan tâm cùng tranh luận. Tuy chỉ để tham khảo nhưng đó sẽ là cuộc chơi thú vị cho tất cả các bên.

Đào Tuấn Đạt 
Hiệu trưởng THPT Anhxtanh, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội

Thay vì dạy tích hợp, trước mắt, THCS và THPT dạy học 8 môn văn hóa cơ bản

Bao gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và tiếng Anh. Các môn học còn lại như Thể dục, An ninh quốc phòng, Tin học, Nghề phổ thông... nên thiết kế dạy học chuyên đề, học theo dự án và không đánh giá bằng điểm số. Cần chú trọng phát triển ở học sinh ý thức rèn luyện thể chất, các kỹ năng mềm, tinh thần hợp tác, tôn trọng pháp luật... Làm được như thế vừa giảm áp lực cho học sinh, mục đích dạy và học hướng đến phát triển năng lực sẽ định hình rõ
 
 
 


Xem thêm:

>>6 vấn đề mong tân Bộ trưởng Giáo dục tập trung giải quyết
>>Mười đề xuất của một doanh nhân với tân Bộ trưởng Giáo dục

   :: Các tin khác

 
Điện thoại : 0511.3691445 - 0511.3656697 * Email: quangtrung.thpt@yahoo.com
* - Website: thptquangtrung.vn * Website : thpt-quangtrung-danang.edu.vn