Ngày 19-04-2024 22:27:01
 


Mọi chi tiết xin liên hệ với trường chúng tôi theo mẫu dưới :
Họ tên
Nội dung
 

Lượt truy cập : 6684248
Số người online: 8
 
 
 
 
ĐÀNG TRONG từ năm 1621 ở giữa vĩ tuyến 11 và 17
 
Mô tả hình ảnh và sinh hoạt nước ta từ năm 1621 ở Xứ Đàng Trong, về địa lý Xứ này ở vào giữa vĩ tuyến 11 và 17. Thời kỳ đó Đà Nẵng ta đang sống chưa hình thành, dất của Chiêm Thành!



http://thanhnien.vn/van-hoa/dang-trong-qua-khao-cuu-nuoc-ngoai-mung-vui-don-mua-lut-722279.html


07:25 AM - 12/07/2016


 


Đàng Trong qua khảo cứu nước ngoài: Mừng vui đón mùa lụt


 


Cristophoro Borri


 


Cristophoro Borri (1583-1632) là nhà truyền giáo người Ý, đến Đàng Trong, vùng lãnh thổ phía nam sông Gianh trở vào nam năm 1618.


Trong những năm ở Đàng Trong, ông đã xem xét và nhận định về đất nước và con người và tập hợp các ghi chép của mình trong Tường trình về khu truyền giáo xứ Đàng Trong, xuất bản năm 1631 tại Ý.


 


Đàng Trong qua khảo cứu nước ngoài: Mừng vui đón mùa lụt - ảnh 1


Tác phẩm Tường trình về khu truyền giáo xứ Đàng Trong bằng tiếng Ý - Ảnh: T.L


Tường trình về khu truyền giáo xứ Đàng Trong đã được dịch sang tiếng Pháp, Latin, Hà Lan, Đức, Anh vào những năm 1631-1633. Sau 3 thế kỷ, ông Bonifacy năm 1931 dịch lại sang tiếng Pháp và cho in ở Tạp chí Đô thành Hiếu cổ Huế tháng 7-12.1931. Cuối năm 2014, cuốn sách được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành qua bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị với tên Xứ Đàng Trong năm 1621.


 


Xứ này ở vào giữa vĩ tuyế,n 11 và 17 do đó, nóng chứ không lạnh. Tuy vậy xứ này lại không nóng như Ấn Độ, mặc dầu cũng vĩ tuyến như nhau và thuộc về miền nhiệt đới như nhau.


Đàng Trong có đủ bốn mùa trong năm, tuy không rõ ràng như ở châu Âu vốn có khí hậu ôn hòa hơn. Mùa hạ gồm ba tháng sáu, bảy và tám, cũng rất nóng vì ở vào miền nhiệt đới và mặt trời trong những tháng đó cũng ở điểm cao nhất trên đầu chúng ta. Nhưng vào tháng chín, mười và mười một thuộc mùa thu thì hết nóng và khí hậu dịu bởi có mưa liên tục. Do đó nước lũ làm ngập khắp xứ, đổ ra biển, như thể đất liền và biển chỉ còn là một. Cứ mười lăm hôm lại xảy ra một trận nước lụt và mỗi lần kéo dài ba ngày.


 


Ích lợi của nước lũ là không những nó làm cho không khí mát mẻ, mà còn đem phù sa làm cho đất phì nhiêu và dồi dào về mọi sự, nhất là về lúa - thức ăn tốt nhất trời ban và là lương thực chung cho khắp xứ. Còn vào ba tháng mùa đông - tháng chạp, tháng giêng và hai thì có gió bắc thổi, đem mưa đủ lạnh để phân biệt mùa đông với các mùa khác trong năm. Sau cùng vào các tháng ba, tư và năm, hiện rõ các hiệu quả của một mùa xuân thú vị, tất cả đều xanh tươi và nở hoa.


 


Nhân tiện nói về lụt, tôi xin kể thêm ở chương này một vài sự kỳ lạ người ta gặp thấy trong dịp này.


Trước hết mọi người ở đây đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được màu mỡ. Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại: “Đã đến lụt, đã đến lụt”, có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không bày tỏ niềm vui, từ kẻ thế gia đến chúa cũng vậy.


 


Nhưng thường thì nước lũ tới bất thần, không ai ngờ, ban chiều chưa ai nghĩ tới, nhưng sáng ra nước đã kéo vào tứ bề, và người ta bị nhốt trong nhà, tình trạng này diễn ra khắp xứ. Do đó họ thường mất hết gia súc vì không kịp đưa chúng chạy lên núi hay những nơi cao hơn.


 


Vào trường hợp này, có một luật kỳ lạ ở xứ này là bò, dê, lợn và các con vật khác bị chết đuối thì không còn thuộc về chủ, mà thuộc về người thứ nhất vớt được. Đây cũng là một điều làm cho người ta vui thích một cách lạ lùng: vừa có lụt, mọi người đều nhảy xuống thuyền bơi đi tìm vớt gia súc chết đuối, để rồi làm thịt và dọn cỗ linh đình.


 


Còn trẻ con thì tùy theo tuổi, chúng để mắt và vui thú rình trên cánh đồng lúa mênh mông đầy rẫy chuột lớn, chuột bé, vì hang ngập nước nên phải ngoi ra, bò lên cây để thoát, thành thử thật là rất vui mắt khi được nhìn thấy những cành cây nặng trĩu những chuột thay vì lá hay quả. Từng đám trẻ con trên các chiếc thuyền nhỏ tới rung cây làm các con vật này rớt xuống nước và chết đuối. Trò đùa nghịch và giải trí của trẻ con, nhưng thực ra có ích lợi lớn cho đồng ruộng vì thoát được những con vật gây thiệt hại nặng cho những cánh đồng rộng lớn.


 


Cái lợi cuối cùng, không phải là nhỏ, đó là người ta đều có thể sắm sửa cho đủ mọi thứ cần dùng. Vì trong ba ngày này, nước lụt làm cho người ta có thể đi lại khắp nơi bằng thuyền một cách rất dễ dàng, đến độ không có gì mà không chuyển được từ nơi này qua nơi khác. Do đó, người ta dành thời gian này để họp chợ, những phiên chợ có tiếng nhất trong xứ, số người đến họp chợ trong dịp này đông hơn bất kỳ buổi họp chợ nào khác trong năm. Cũng trong ba ngày này, người ta đi lấy cây để thổi nấu và dựng nhà. Họ chất cây từ trên núi vào thuyền và dễ dàng bơi qua các nẻo, các ngõ vào tới tận nhà vốn được cất trên các hàng cột khá cao để cho nước ra vào tự do. Ai cũng leo lên sàn cao nhất và phải khen họ vì không bao giờ lụt bén tới bởi họ đã đo chính xác, do kinh nghiệm lâu năm, của mực nước cao thấp, do đó nước luôn ở phía dưới nhà họ.


 


 


http://thanhnien.vn/van-hoa/dang-trong-qua-khao-cuu-nuoc-ngoai-trai-cay-doc-dao-cua-xu-dang-trong-722597.html


06:30 AM - 13/07/2016 Thanh Niên


 


Trái cây độc đáo của xứ Đàng Trong


 


Nhà truyền giáo Ý Cristophoro Borri (1583-1632) đã có những ghi chép về cây ăn trái xứ Đàng Trong trong cuốn Tường trình về khu truyền giáo xứ Đàng Trong xuất bản năm 1631 bằng tiếng Ý.


 


Đàng trong qua khảo cứu nước ngoài: Trái cây độc đáo của xứ Đàng Trong


Tranh minh họa một khu chợ xứ Đàng Trong Ảnh: T.L


 


Quanh năm ở đây có rất nhiều và có đủ loại trái cây như ở Ấn Độ vì xứ Đàng Trong có khí hậu như ở Ấn. Nhưng đặc biệt là cam ở Đàng Trong, trái lớn hơn trái ở châu Âu, to và rất ngọt. Vỏ rất dễ bóc, mềm và ngon, cam có thể ăn được cả vỏ lẫn ruột và có mùi vị thơm như trái chanh ở Ý . Ở đây người ta cũng thấy một số trái khác người Bồ gọi là chuối, người khác lại gọi là vả Ấn Độ. Theo ý tôi thì không xác đáng vì ở Ấn không có cây nào được gọi là vả, và ở Đàng Trong không có cây gì giống cây vả của chúng ta, về thân cũng như trái. Về thân cây thì nó giống như cây chúng ta gọi là “lúa mì Thổ Nhĩ Kỳ” tuy cao lớn hơn, lá rất dài và rất to bản, đến độ chỉ cần hai lá cũng đủ để có thể che một người từ chân đến đỉnh đầu và bao quanh cả người. Do đó mà có người muốn gọi cây này là “cây vườn địa đàng” và Adam đã lấy lá của nó để che giấu sự trần truồng của mình (theo Kinh thánh, sau khi phạm tội ăn trái cấm, tổ tiên thấy mình trần truồng và phải lấy lá che thân – người dịch).


 


Cây này trổ ngay trên ngọn một buồng gồm hai mươi, ba mươi hay bốn mươi trái cột chặt với nhau, mỗi trái về hình thù, bề dài và độ lớn, đều giống trái chanh thông thường ở Ý. Khi trái chưa hoàn toàn chín thì vỏ xanh và sau đó trở nên vàng giống hệt như chanh. Mùi thì rất thơm, ruột vàng và khá cứng chắc như một trái lê bergam chín muồi của ta, dễ tan trong miệng.


 


Do đó không thể nói là nó giống cây vả của chúng ta được, trừ vị thơm ngon và dịu ngọt. Cũng còn một thứ trái khác thuộc loại này, người ta sấy và ngâm rượu (có thể là một thứ chuối “ngự” thơm và nhỏ, hay một thứ trái cây nào khác – người dịch).


 


Một loại trái có rất nhiều ở hầu hết các tỉnh Ấn Độ, nhưng ở Đàng Trong còn một thứ trái cây không thấy ở Trung Quốc cũng như ở khắp Ấn Độ. Trái nó to như trái chanh lớn nhất ở Ý và to đến nỗi chỉ ăn một trái cũng đủ no. Ruột thì trắng và có rất nhiều hạt nhỏ đen và tròn, người ta nhai lẫn với ruột. Các hạt này có vị thơm ngon và rất tốt cho dạ dày.


 


Họ cũng có thứ giống như trái anh đào của ta, nhưng mùi vị thì lại như trái nho, theo tiếng họ gọi là gnoo. Họ không thiếu dưa nhưng không ngon bằng dưa của ta nên phải ăn với đường hay mật. Dưa gang hay dưa nước, như nhiều người gọi, rất to và rất tuyệt.


 


Có một loại trái gọi là mít. Trái này cũng có ở Ấn Độ, nhưng không ngon bằng trái ở Đàng Trong. Trái mọc ở trên một cây cao như cây hồ đào và cây dẻ của ta, nhưng gai dài hơn nhiều. Trái to như trái bí ngô lớn ở Ý và chỉ cần một trái cũng đủ cho một người vác. Bề ngoài nó có hình thù của một nón thông, nhưng ruột thì dịu và mềm. Bên trong đầy những múi vàng có hột dẹp và tròn như đồng tiền ở Ý hay đồng “teston” (ở Pháp). Ở giữa mỗi múi có hạt, người ta bỏ đi không ăn. Có hai loại (mít mật và mít dai - người dịch), một loại người Bồ gọi là “giaca barca”, dóc hột, ruột cứng. Loại thứ hai không dóc hột và ruột không cứng bằng, rất mềm và nát như keo. Mùi vị của cả hai loại này rất ngon gọi là sầu riêng.


 


Sầu riêng là một trong những trái ngon nhất hoàn cầu


Trái “durion” (sầu riêng) là một trong những trái ngon nhất hoàn cầu, không thấy có ở đâu trừ Malacca, Bornéo và mấy đảo xung quanh. Cây sầu riêng khác cây mít chút ít. Bên ngoài, trái này cũng giống trái mít và trái thông của ta, cả về kích thước cũng như độ cứng của vỏ. Còn thịt thì bám vào hột như keo, rất trắng, còn mùi vị thì giống như món đông hạnh nhân của người Ý (món hạnh nhân tán nhỏ hòa với đường, rồi để vào tủ lạnh, món ăn rất sang của người châu Âu vào thời này - người dịch). Thịt và nước ngọt của nó được chứa trong mười hay mười hai ngăn nhỏ, mỗi ngăn có nhiều múi thịt trắng bọc quanh hột, to bằng hạt dẻ lớn nhất của ta. Khi mở ra thì xông lên mùi khó chịu như mùi hành thối, nhưng ở trong thì không có mùi và lại rất thơm ngon.


 


Tôi kể ở đây một câu chuyện xảy ra trước mắt tôi. Số là có một người muốn cho một giáo sĩ cao cấp mới tới Malacca thưởng thức thứ trái này và không báo trước. Ông mở một trái ngay trước mặt vị giáo chủ. Mùi khá nặng và khó chịu xông ra làm cho giáo chủ ghê sợ và nản không sao dùng được. Nhưng lúc ngồi vào bàn tiệc, trong các món ăn có một món chỉ toàn là trái cây có mùi vị thơm giống món đông hạnh nhân làm cho giáo chủ dễ lầm cũng như bất cứ ai chưa được biết trước. Ông vừa đưa tay lấy một miếng thứ nhất và nếm thì thấy rất ngon làm ông bỡ ngỡ và hỏi xem người đầu bếp nào khéo dọn món đông hạnh nhân ngon đến thế. Chủ nhà mỉm cười trả lời là chẳng có hỏa đầu quân nào ngoài Thiên Chúa cao cả đã cho xứ này một trái hiếm gọi là sầu riêng mà lúc đầu ông đã ghê sợ. Nghe tới đây vị giáo chủ sửng sốt và hết lời ca ngợi, ông dùng rất ngon miệng. Thế nhưng, trái này ngon đến độ ngay ở Malacca là nơi sản sinh, nhiều khi giá lên tới một đồng “êcu” một trái.


 


 


http://thanhnien.vn/van-hoa/dang-trong-qua-khao-cuu-nuoc-ngoai-cuoi-voi-va-san-te-giac-o-dang-trong-722995.html


06:17 AM - 14/07/2016


 


Cưỡi voi và săn tê giác ở Đàng Trong


 


Khu kỷ niệm vị trí đặt cơ sở truyền giáo Nước Mặn (nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, H.Tuy Phước, Bình Định), nơi Cristophoro Borri hoạt động từ năm 1618 - 1622 /// Ảnh: Hoàng Trọng


Khu kỷ niệm vị trí đặt cơ sở truyền giáo Nước Mặn (nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, H.Tuy Phước, Bình Định), nơi Cristophoro Borri hoạt động từ năm 1618-1622 Ảnh: Hoàng Trọng


 


Thời gian ở Đàng Trong, giáo sĩ Cristophoro Borri đã nhiều lần di chuyển bằng voi và từng tham gia những cuộc đi săn tê giác. Ông kể về những chuyện này trong Tường trình về khu truyền giáo xứ Đàng Trong.


 


Khả năng đặc biệt của voi


Rừng xứ Đàng Trong có rất nhiều voi, nhưng người ta không sử dụng được vì chưa biết cách bắt và luyện chúng. Vì thế phải đưa những con voi đã thuần phục và dạy dỗ từ nước láng giềng Campuchia sang. Voi ở đây lớn gấp hai voi ở Ấn Độ. Voi sống lâu năm. Một lần tôi hỏi tuổi một con voi tôi gặp thì người quản tượng đáp là đã sáu mươi tuổi ở Campuchia và bốn mươi ở Đàng Trong.


 


Mặc dầu quản tượng dùng một dụng cụ bằng sắt dài chừng bốn gang tay ở đầu có móc để đánh và đâm cho voi tỉnh và chú ý tới lệnh truyền, thế nhưng thường thường họ điều khiển và chỉ huy bằng lời nói, đến nỗi tưởng như voi hiểu biết ngôn ngữ và có mấy con biết tới ba hay bốn thứ tiếng rất khó tùy theo lãnh thổ và quốc gia nó đã sống. Thí dụ con voi đã đưa tôi đi thì hiểu tiếng Campuchia vì gốc nó ở đó, rồi tinh thông tiếng Đàng Trong là nơi nó tới. Ai cũng lấy làm lạ khi thấy quản tượng trò chuyện với nó, dặn dò về hành trình và đường đi lối bước, qua nơi nào, dừng lại và nghỉ ở đâu, và sau cùng kể chi tiết tất cả các việc nó phải làm trong ngày.


 


Voi không để cho người nào lạ leo lên cưỡi: nó mà thấy thì nó sẽ quăng bành xuống đất và dùng vòi mà sát hại người ấy. Vì thế, khi có người phải leo lên thì quản tượng lấy tai nó che mắt nó, tai nó to và xấu xí. Khi nó không chịu nghe lệnh truyền và không nhanh nhảu làm theo thì quản tượng đứng hai chân trên đầu nó, đánh và trị nó rất nặng, rất cương quyết, lấy roi quất mạnh trên trán nó. Thường thường người ta quất sáu bảy cái vào giữa trán nó, và mạnh đến nỗi làm voi rùng cả mình: phải nhận là nó rất kiên nhẫn chịu đựng. Chỉ có một trường hợp nó không vâng theo quản tượng và bất cứ ai, đó là khi nó bất thần động đực.


 


Khi có chiến tranh và trận mạc thì người ta nhấc mui bành đi để làm thành một thứ chòi chở lính giao chiến với nỏ, với súng và có khi với khẩu đại bác: voi không thiếu sức để chở vì là con vật rất khỏe, nếu không có gì khác. Chính tôi đã thấy một con dùng vòi chuyên chở những vật rất nặng, một con khác chuyển một khẩu súng lớn và một con nữa một mình kéo tới mười chiếc thuyền, chiếc nọ theo sau chiếc kia, giữa đôi ngà một cách rất khéo và đưa xuống biển. Tôi cũng thấy những con khác nhổ những cây to lớn mà không mấy vất vả như thể chúng ta nhổ su hào hay rau diếp. Chúng cũng dễ dàng ném xuống đất và lật đổ nhà cửa, triệt hạ từng dãy phố khi được lệnh trong trận chiến để phá hoại quân địch và trong thời bình để không cho ngọn lửa bén khi có hỏa hoạn.


 


Thời xưa người ta dùng voi rất có ích trong chinh chiến và đạo binh nào ra trận với những con vật như vậy thì thật là đáng sợ. Nhưng từ khi người Bồ tìm được cách ném tàn lửa và đuốc vào mũi chúng thì càng làm cho chúng gây hại hơn trước. Bởi vì chúng không thể chịu được lửa đốt làm cay mắt nên chúng đùng đùng chạy trốn và làm tan tác đạo binh, giết hại và phá phách tất cả những gì cản đường chúng. Voi nhà chỉ sợ hai con thú khác là voi rừng và tê giác, nó có thể thắng được tê giác, nhưng đối với voi rừng thì thường nó chịu thua.


 


Một cuộc săn tê giác


Tê giác là một thú vật có một cái gì giống bò và ngựa, nhưng lại to lớn như một con voi con. Mình nó đầy vảy như những yếm để tự che thân. Nó chỉ có một sừng ở ngay giữa trán, thẳng tắp và có hình kim tự tháp, còn chân và móng thì như bò.


 


Khi tôi ở Nước Mặn, một xã thuộc tỉnh Quy Nhơn, có biết một viên quan lần nọ đi săn tê giác ở trong khu rừng gần nhà chúng tôi. Ông đem theo hơn một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa cùng với tám hay mười con voi. Con tê giác ra khỏi khu rừng và giữa một số đông địch thù, nó không những không tỏ vẻ sợ hãi mà còn thu hết sức lực giận dữ xông tới. Thế là đạo binh phân tán làm hai cánh để cho con tê giác lọt vào giữa và chạy tới hậu quân có viên quan đứng chờ để giết nó. Viên quan ngồi trên lưng voi; voi cố lấy vòi chộp lấy tê giác, nhưng không sao làm nổi vì tê giác nhảy tứ tung, cố dùng sừng để đâm voi. Viên quan biết rõ tê giác vì có vảy nên không dễ gì bị thương nếu chỉ đánh vào bên hông. Ông chờ đến lúc nó nhảy lên và phơi bụng ra, lúc đó ông nhắm, và rất thiện nghệ, ông ném ngọn đao đâm suốt từ bụng tới lưng, giữa tiếng hò hét vui mừng của cả đạo quân.


 


Không chờ đợi gì nữa họ lập tức quơ một đống củi lớn, châm lửa đốt, trong khi vảy con thú bị thiêu và thịt nướng chín thì họ nhảy múa chung quanh, mỗi người tiếp theo nhau xẻo thịt đang chín dần dần và ăn vui vẻ. Sau đó họ mổ lấy tim, gan và óc để dọn món mỹ vị đem hầu viên quan lúc này đã lui ra xa một chút, ở một nơi khá cao, vui mừng và thích thú nhìn xem cuộc vui...


 


 


http://thanhnien.vn/van-hoa/dang-trong-qua-khao-cuu-nuoc-ngoai-quan-tran-thu-quy-nhon-723304.html


07:00 AM - 15/07/2016 Thanh Niên


 


Quan trấn thủ Quy Nhơn


 


Một chuyến đi của vị quan xứ Đàng Trong  /// Ảnh: Tư liệu


Một chuyến đi của vị quan xứ Đàng Trong. Ảnh: Tư liệu


 


Cha Buzomi, cha De Pina và tôi cùng rời Hội An để đi Quy Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế.


 


Được đối xử như một ông hoàng


Quan trấn thủ luôn để chúng tôi ở cùng với ông và đối xử với chúng tôi một cách rất đặc biệt. Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi (từ Hội An đi Quy Nhơn bằng đường biển - ND). Mọi người đều lấy làm lạ khi thấy chúng tôi được trọng đãi và vì thế người ta quý mến chúng tôi. Và đó cũng chính là điều quan trấn thủ muốn, ông cũng nghe theo lời chúng tôi thỉnh cầu trong rất nhiều trường hợp phải xử trị một trọng tội nào đó. Chúng tôi chưa kịp mở miệng xin ân xá thì ông đã bằng lòng ban ngay rồi. Do đó chúng tôi được nổi tiếng, có thế giá không kém quan trấn thủ. Thấy chúng tôi có lòng bác ái và thương xót hết mọi người nên ai cũng quý mến và tìm đến chúng tôi.


 


Ngoài ra quan trấn thủ muốn trong suốt cuộc hành trình người ta đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi là những quan lớn, tới đâu ông cũng tổ chức trò chơi và hội hè cho dân chúng, khi thì cho đấu chiến thuyền, lúc thì cho đua thuyền, đặt giải thưởng cho thuyền nào thắng cuộc.


Không ngày nào ông không thân chinh sang thuyền chúng tôi. Cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Quy Nhơn. Nhưng chúng tôi còn phải đi mấy ngày đường nữa mới về được tới dinh quan trấn thủ. Ông muốn cho chúng tôi đi đường bộ để được thoải mái và vui thú. Thế là ông truyền đưa bảy cỗ voi tới. Ông còn muốn dành cho chúng tôi cái danh dự đặc biệt là mỗi người chúng tôi có riêng một cỗ voi, kèm theo một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa.


Vì cuộc hành trình này chỉ là để tiêu khiển, nên chúng tôi đi mất tám ngày, tới đâu cũng được tiếp đón và đối xử như một ông hoàng, nhất là ở nhà một bà chị của ông, người ta tiếp chúng tôi rất long trọng trong một bữa tiệc linh đình. Không những vì có rất nhiều món khác nhau, mà còn vì có nhiều cách nấu nướng đặc biệt và nhiều thứ thịt thà, dọn theo bếp châu Âu, mặc dầu cả quan trấn thủ, cả mọi người trong nhà đều không dùng được.


 


Tám ngày tiệc tùng


Rồi sau cùng, chúng tôi tới tư dinh. Tám ngày tiệc tùng liên tiếp và cỗ bàn linh đình. Chính ông, bà vợ và con cái ông săn sóc chúng tôi, ăn chung với chúng tôi, làm cho cả dinh đều bỡ ngỡ. Ai cũng đồng thanh quả quyết rằng người ta chỉ dành những danh dự này cho bản thân các chúa mà thôi. Quan trấn thủ rất lấy làm hài lòng và tuyên bố trong cuộc họp chung các quan trong phủ rằng: thật ra các cha là con vua con chúa, tức là các thiên sứ đến những vùng đất này, không phải vì thiếu thốn hay cần thiết thứ gì, vì ở nước các cha không thiếu gì, trái lại, mọi của cải đều dư dật, nhưng chỉ vì các cha hăm hở sốt sắng cứu vớt các linh hồn.


 


Tám ngày qua đi, chúng tôi cho ông biết là thích ở trong thành để dễ bề rao giảng Phúc Âm hơn, còn nếu ở trong tư dinh thì không dễ dàng cho công việc. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì rất quý chuộng chúng tôi, và ông đã buồn phiền khi phải xa chúng tôi. Thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn. Chúng tôi khiêm tốn cảm tạ ông về tất cả những ơn huệ ông đã ban cho trong cuộc hành trình và những việc ông vẫn còn tiếp tục làm cho chúng tôi. Sau khi từ biệt, chúng tôi leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tùy tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi.


 


Trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, linh mục dòng Tên Cristophoro Borri (người Ý) kể lại rằng ông cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) năm 1618 rồi trú trong khu thương nhân Bồ Đào Nha tại Đà Nẵng một thời gian ngắn. Tháng 7.1618, theo lời mời của quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa, Francesco Buzomi, Cristophoro Borri, Francisco de Pina đã rời Hội An đi Quy Nhơn. Sau đó, được sự giúp đỡ của quan trấn thủ, các giáo sĩ dòng Tên đã xây dựng cơ sở truyền giáo tại Nước Mặn. Cristophoro Borri ở Nước Mặn từ năm 1618 đến 1622 trở về lại Ma Cau.


 


Theo linh mục Gioan Võ Đình Đệ (công tác tại Tòa Giám mục Quy Nhơn, Bình Định), Nước Mặn là cơ sở đầu tiên được các thừa sai dòng Tên ở Đàng Trong thành lập vào tháng 7.1618. Trong thư báo cáo về Đàng Trong do linh mục Joaõ Roiz viết bằng tiếng Bồ Đào Nha năm 1621 tại Ma Cau gửi cho linh mục Mutio Vitelleschi (cha bề trên cả dòng Tên tại Roma) xác nhận năm 1620 tại Đàng Trong đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt là linh mục Cristophoro Borri và Francisco de Pina. Trong thời gian truyền giáo tại Nước Mặn, Cristophoro Borri đã viết tác phẩm Tường trình về khu truyền giáo xứ Ðàng Trong bằng tiếng Ý, đây là tài liệu in đầu tiên có một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai.


Hiện Tòa Giám mục Quy Nhơn xác định vị trí đặt cơ sở truyền giáo Nước Mặn ngày xưa nằm trong vườn nhà ông Võ Cự Anh, thôn An Hòa, xã Phước Quang, H.Tuy Phước, Bình Định. Tháng 5.2011, Tòa Giám mục Quy Nhơn xây dựng một hòn non bộ với diện tích 64 m², có dòng chữ kỷ niệm việc các thừa sai dòng Tên đầu tiên đến lập cơ sở truyền giáo.


 


Hoàng Trọng


 


 


 


http://thanhnien.vn/van-hoa/dang-trong-qua-khao-cuu-nuoc-ngoai-loi-dung-nha-tai-tinh-cua-nguoi-dang-trong-723708.html


07:24 AM - 16/07/2016


 


Lối dựng nhà tài tình của người Đàng Trong


 


Hình ảnh một dinh thự xứ Đàng Trong /// Ảnh: T.L


Hình ảnh một dinh thự xứ Đàng Trong. Ảnh: T.L


 


Ở Nước Mặn chúng tôi được tiếp đãi với tất cả sự sang trọng mà quan trấn thủ Quy Nhơn đã truyền phải dành cho chúng tôi.


Ngay ngày hôm sau, ông thân hành đến thăm chúng tôi và kiểm tra xem người ta có sửa soạn nhà chúng tôi cho tươm tất và thuận tiện không.


 


Ông truyền mỗi tháng người ta đem đến cho chúng tôi một món tiền khá lớn và mỗi ngày người ta đưa tới nào là thịt thà, cá mú, thóc gạo, không phải chỉ đủ cho chúng tôi mà còn cho các người thông ngôn và người làm nữa. Không chỉ có thế, ngày nào ông cũng gửi cho chúng tôi quà bánh, rất đầy đủ, không kể các đồ vật khác để bồi dưỡng chúng tôi một cách hậu hĩ.


Để tỏ lòng trọng kính chúng tôi và tạo uy tín cho chúng tôi trước mọi người, một ngày nọ, ông mở một phiên tòa ngay trong sân nhà chúng tôi, theo cách thức được thực hiện ở Đàng Trong như chúng tôi đã nói. Trong phiên tòa này, ông phải xử mấy người phạm trọng tội, mỗi người đều được xử theo tính chất của tội phạm. Trong số các phạm nhân có hai người bị xử tử và phải chịu hình tên bắn. Nhưng trong khi người ta trói các người này thì chúng tôi can thiệp để xin ân xá cho họ. Ông liền tha ngay và truyền cho cởi dây trói tức thì. Ông tuyên bố lớn tiếng là chưa bao giờ ông ban ân xá này cho một người nào cả, nhưng vì những vị nhân đức này, ta không thể khước từ được.


 


Xem “sự lạ lùng”


Rồi quay về phía chúng tôi, ông giục chúng tôi quyết định về nơi chúng tôi thấy thuận tiện để dựng một nhà thờ. Chúng tôi liền chỉ cho ông thấy một địa điểm chúng tôi cho là rất hợp và rất tiện để làm việc đó.


 


Ba ngày sau, người ta đến cho chúng tôi biết là nhà thờ đã được đem đến. Được tin đó chúng tôi rất vui mừng và sung sướng, chúng tôi ra khỏi nhà, hăm hở tới coi sự lạ lùng này, chúng tôi muốn biết xem nhà thờ có thể đem đến bằng cách nào. Chúng tôi biết là nhà thờ phải được làm bằng ván lắp, theo họa đồ đã vẽ. Chúng tôi cũng được biết là tòa nhà này rất lớn và rất cao, phải được đặt trên những cột cao và lớn. Tức thì chúng tôi phát hiện ra trong cánh đồng một đạo quân trên một nghìn người khuân vác các bộ phận của nhà thờ. Mỗi cột có ba mươi người lực lưỡng nhất khênh. Còn những người khác thì vác xà, người khênh ván, người khênh nóc, kẻ mang sàn... Sân nhà chúng tôi chật ních người. Chúng tôi niềm nở đón tiếp họ với niềm hân hoan. Chỉ có một điều làm cho chúng tôi buồn phiền là trong nhà không có gì để ít ra cho họ ăn qua loa.


 


Nhưng chúng tôi không phải lo lắng lâu khi thấy mỗi người ngồi trên đồ vật người ta căn dặn phải kỹ càng giữ lấy và họ mở khăn gói ra, trong đó có nồi, thịt, cơm và cá. Họ nhóm lửa và tự nấu nướng lấy. Không ồn ào. Không xin xỏ gì. Khi họ ăn xong thì một người chủ thầu lấy dây đo địa điểm, đo khoảng cách giữa hai cột, rồi ông cho gọi người đem tới dựng vào chỗ. Sau đó ông gọi tất cả lần lượt khuân các bộ phận khác tới và mỗi người đem lắp xong là ra về ngay. Cứ thế, tất cả đều làm việc trong trật tự. Ai cũng làm đúng cách thức, và tất cả khối lớn lao đó được dựng trong một ngày, làm cho chúng tôi rất mực sung sướng.


 


Nhưng hoặc là vì người ta làm quá vội vã, hoặc là vì người lắp đặt không cẩn thận nên ngôi nhà không đứng thẳng lắm, hơi nghiêng một chút. Người ta kể cho quan trấn biết, thế là ông cho gọi kiến trúc sư tới và truyền cho phải làm lại ngay, nếu không sẽ bị cắt gân chân và phải gọi tất cả ngần ấy thợ trở lại để làm cho xong. Kiến trúc sư tuân lệnh và cho dỡ hết, rồi với tất cả sự khéo léo và thận trọng hơn, ông cho làm lại thật đúng và không bao lâu công việc đã hoàn thành.


 


Đề phòng hỏa hoạn


Có những làn gió nồm rất nồng nực thường nổi lên và thổi liên tục vào các tháng sáu, bảy và tám gây nên một sức nóng bức lạ lùng, trong khi nhà cửa làm bằng gỗ. Do đó chỉ một tia lửa nhỏ vì vô ý hay do cách nào khác rơi vào thì cũng có thể làm lửa bốc lên ngay lập tức như châm diêm đốt vậy. Một khi lửa đã bén vào một nhà thì trong nháy mắt ngọn lửa từ nhà này sẽ lan sang hết các nhà khác.


Để tránh nguy cơ này, quan trấn thủ ra sắc lệnh bắt tất cả các nhà ở cùng hàng với nhà chúng tôi, theo hướng luồng gió nóng thổi, phải dỡ mái xuống trong hai tháng đó. Và số nhà phải để trống mái đó nhiều đến độ có thể chiếm một khoảng rộng ít là hai dặm Ý. Và ông đã chủ ý ra lệnh như vậy để nếu lửa bén vào một nhà nào trong những nhà ấy thì sẽ ngăn cản không cho nó bén sang nhà chúng tôi. Mọi người đều nghiêm chỉnh thi hành vì danh dự và sự trọng kính họ dành cho ông.


 


Cristophoro Borri


(Trích từ Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM)


 


 


   :: Các tin khác

 
Điện thoại : 0511.3691445 - 0511.3656697 * Email: quangtrung.thpt@yahoo.com
* - Website: thptquangtrung.vn * Website : thpt-quangtrung-danang.edu.vn