Ngày 23-04-2024 19:50:16
 


Mọi chi tiết xin liên hệ với trường chúng tôi theo mẫu dưới :
Họ tên
Nội dung
 

Lượt truy cập : 6686099
Số người online: 9
 
 
 
 
ĐIA LÝ, LỊCH SỬ ĐÀ NẴNG
 
Cung cấp phần mềm LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG giúp tài liệu cho học sinh lớp 12 thi THPT quốc gia năm học 2015-2016: Thơ xưa trên vách đình Nam Ô - Cuộc đấu trí nơi cửa sông Cu Đê - Truyền thuyết Đá Bà Trường Định - Mắm ngọt Nam Ô.

Thơ xưa trên vách đình Nam Ô

Có dịp đến thăm đình làng Nam Ô, ta sẽ bắt gặp trên 2 bức tường tả hữu đối diện trong chính đường 2 bài thơ chữ Hán được viết theo bút pháp thể hành, chân phương dễ đọc nhưng nét bút không còn sắc sảo.

Đình làng Nam Ô hiện nay, quay mặt về hướng tây. Ảnh: V.T.L
Đình làng Nam Ô hiện nay, quay mặt về hướng tây. Ảnh: V.T.L

Theo cụ Sáu Cung, người đã ngoài 90 tuổi nhưng phong thái phương phi minh mẫn, một lão làng có uy tín biết chữ Hán, đây là hai bài thơ cổ của tiền nhân để lại trên vách đình làng cũ trước đó.

Năm 1965 làng Nam Ô tôn tạo ngôi đình mới trên nền đình cổ và nhờ cụ Trần Hữu Cân (Sáu Cân) người trong làng nổi tiếng là cụ đồ viết chữ Hán đẹp nhất trong vùng chép lại. Sau 50 năm, mỗi lần đình có dịp sơn phết, được thợ nề đồ đi đồ lại nên lem luốc như thế.

Cụ bảo bài bên tả đọc trước: Trác phụng hàm châu bán nguyệt hình/ Áng tiền đường lộng khởi tam tinh/ Triều lai ngũ thủy trừng thanh bạch/ Văn võ đinh tài thạnh phát minh. Và cụ giảng: Đình làng Nam Ô hồi xưa nằm ở mé nam gành đá Nam Ô còn gọi là hòn Phụng, có mõm núi nhô ra vũng Trà Sơn (vịnh Đà Nẵng) dân làng quen gọi là mũi Hạc.

Đình làng lưng dựa hướng tây mặt quay về hướng đông trên một địa trạch có phong thủy tốt đẹp, trước mặt là vũng Trà Sơn đã bị mũi Hạc nhô ra che khuất hết một nửa, êm đềm lung linh nước đầy lai láng, đêm đêm trăng rọi, sao rơi. Bên hông đình là rừng cây cổ thụ ngàn năm xào xạc vi vu.

Vịnh nước trước đình vừa là bến đậu ghe của làng vừa là chỗ cần chọn để ghé tạm của các thuyền quan binh trong thời loạn lạc đời xưa; cho thương lái ghe bầu xuôi nam ngược bắc cập bến để lấy gạo củi thực phẩm, nước ngọt trong những giếng Chàm cổ trong làng cho chuyến hải hành nhiều ngày.

Mỗi lần như thế, đình làng Nam Ô ở nơi vị trí thuận lợi sát bờ biển luôn được các vị khách hiếu kỳ thành tâm lên viếng, thắp hương cầu an cho chuyến hải hành. Trong các vị khách ấy có người tức cảnh sinh tình đã tạo tác ra bài tứ tuyệt trên, tặng làng.

Cụ Sáu Cung nói, cũng có người bảo bài thơ do cụ quận công họ Nguyễn nào đó trong một chuyến công cán thời cuối Trịnh - Nguyễn qua đây đề tặng. Xét trong ý tứ bài thơ cũng xứng là bài thơ hay có mạch “mỹ hảo” (chữ cụ dùng, có nghĩa là tốt đẹp) nên làng quyết định cho chép vào vách đình lưu hậu thế.

Các vị túc nho trong làng qua các thời kỳ đã dịch bài thơ này. Nhiều bài lắm nhưng cụ chỉ nhớ được một bài: Phượng cao ngậm ngọc nửa hình trăng/ Vịnh trước đình sao ánh ánh giăng/ Năm ngọn nước triều dâng sáng láng/ Tài trai lóe sáng thịnh võ văn.

Bản dịch quả đã thoát được cái thần của bài thơ, đáng là “mỹ hảo”! Đoạn, cụ kể tiếp, đó là bài thơ trên vách đình cũ. Đình này sau hàng trăm năm nằm sát bờ biển phía đông của làng, đã chịu nhiều đe dọa của bão sóng, rồi cũng bị sụp đổ trong bão năm Mẹo (Ất Mão 1915).

Đình mới được dựng lại trên cuộc đất mới này, lưng dựa hướng đông mặt quay về hướng tây trên nền đất cao, trước mặt là sông Nam Ô êm đềm soi bóng, Cấm Giá như bức bình phong thiên nhiên, xa xa là núi Ba Viên làm án, bắc nam có núi chầu về. Đúng là vị trí địa linh không thua gì phong thủy của ngôi đình cũ.

Khi đình dựng xong, làng cho chép lại bài thơ cổ ở đình cũ lên vách đình mới. Lúc đó cũng có một danh sĩ - có người bảo là tri phủ Thăng Bình (?) - đi ngang qua đây, ghé viếng cảnh đình, nhìn đình mới trên địa trạch phong thủy tốt đẹp, lại đọc trên vách biết được xuất xứ bài thơ xưa, bèn hứng chí phóng bút nên bài thơ phía bên hữu đình này.

Cụ đọc: Triều tây kim cuộc Vĩnh Thành trung/ Phụng ngưỡng hình dung ngũ thủy phùng/ Long hổ tương lai tương đối cách/ Đinh tài văn võ thụy chân dung.

Cụ bảo, Vĩnh Thành là tên xứ cổ của làng Nam Ô. Bài thơ rất hợp với cảnh mới này, ý tứ cũng xứng là bài thơ hay, không kém phần chúc tụng mong ước “mỹ hảo”. Rồi các cụ túc nho trong làng cũng thi nhau đưa ra nhiều bài dịch nôm. Cụ thích bài dịch này nhất vì dễ hiểu: Cuộc mới triều tây giữa Vĩnh Thành/ Phượng ngừa năm ngọn nước về quanh/ Cọp rồng sẽ lại cùng thưa thốt/ Văn võ tài trai thấy dáng hình.

Hai bài thơ trên vách đình làng Nam Ô có xuất xứ thú vị như cụ Cung cho biết, vừa nhắc nhở lại lịch sử khởi dựng đình làng vừa mô tả được phong cảnh hữu tình thơ mộng mà đậm chất “địa linh”, đây là nét độc đáo mà các đình làng trong vùng không có được.

ĐẶNG DÙNG


Chuyện xưa xứ Quảng

 

Cuộc đấu trí nơi cửa sông Cu Đê

08:43, 06/12/2015 (GMT+7)

Là ranh giới của hai phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, sông Cu Đê đã ghi dấu một chiến công mở màn cuộc chinh phục Chiêm Thành thời vua Lê Thánh Tông năm 1471.

Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên, ngày mồng 6 tháng 11 năm Hồng Đức thứ nhất - Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân đi đánh Chiêm Thành. Chiếu có đoạn viết kể tội Chiêm Thành đã “…nương đất Cổ Lũy như hang cầy; cậy thành Chà Bàn như ổ kiến. Điên cuồng chẳng nghĩ… Đánh cướp Hóa Châu; giết quân đồn trú… Kể tầy tội ác… Mong cột đồng dựng ở Hoành Sơn…” (ý nói Chiêm Thành đem biên giới nước mình ra đến Hoành Sơn, định lấn chiếm các đất Hóa Châu và Tân Bình của Đại Việt).

Theo sách đã dẫn, trong cuộc Nam chinh này, với sách lược bình Chiêm đã sẵn, nhà vua gọi quân tinh nhuệ đến 26 vạn người chia làm 2 đạo, một đạo do các tướng tài chỉ huy, một đạo đích thân nhà vua chỉ huy. Khởi quân đi từ ngày mồng 6 tháng 11, tuy mưa gió thuận hòa nhưng phải gần 2 tháng sau, ngày mồng 2 tháng Giêng năm Hồng Đức thứ hai (1471), đại quân mới sắp vào đất giặc.

Thế là cuộc tổng tấn công bắt đầu!

Ngày mồng 6, chỉ huy Cang Viễn bắt sống tướng Chiêm là Bồng Nga Sa, người giữ cửa quan Cu Đê lúc bấy giờ. Trận mở màn thắng lợi tạo điều kiện cho đoàn quân Đại Việt tiến công như vũ bão, chiến thắng như chẻ tre.

Tháng 3, ngày mồng 1, quân ta hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém được hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống được Trà Toàn (vua Chiêm) rồi đem quân về... Sau 55 ngày đêm cuộc chinh phạt thắng lợi hoàn toàn.

Tháng 5, ngày mồng 1, làm lễ mừng thắng trận ở kinh đô Thăng Long.

Tháng 6 lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức Án Sát và 3 ty ở Quảng Nam, từ đấy quyền cai quản đất này vĩnh viễn thuộc về Đại Việt!

Chiến thắng mở màn ở cửa quan Cu Đê đã in đậm nét trong bài thơ “Hải Vân mải môn lữ thứ” (“Nghỉ lại ở cửa biển Hải Vân”, theo Tổng tập Văn học Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995) của nhà vua thi sĩ Lê Thánh Tôn, trong đó có 2 câu thực: “Di lạc phụng tham kỳ khoản tái/ Khổn thần ái quốc xảo trù biên”. Dịch nghĩa: Người Di (chỉ người Chiêm) vâng mệnh hẹn kỳ hạn nộp cửa ải/ Bề tôi yêu nước khéo trù liệu việc biên cương. Qua đó, cho thấy vị tổng tư lệnh cuộc Nam chinh này chú ý đến ý nghĩa của chiến thắng mở màn ở cửa quan Cu Đê như thế nào! Các sử gia đời sau cũng đánh giá đây là chiến thắng mở màn quan trọng, mở toang cánh cửa nam tiến của dân tộc, quả là không quá đáng!
Tuy không dùng binh lực hùng hậu mà vẫn đạt được một chiến công quyết định. Người Chiêm Thành trước đó đã ỷ lại binh hùng tướng mạnh, cậy thế núi sông hiểm trở mang tham vọng lấn chiếm Đại Việt đưa biên giới đến Hoành Sơn (như lời chiếu ở trên) sao lại dễ dàng dâng cửa quan Cu Đê, cửa ngõ vào Chiêm quốc? Câu trả lời đã có khi chúng tôi cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam đào thám sát di chỉ tháp Chăm Xuân Dương nằm sát bờ nam cửa sông Cu Đê, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, đã gặp các bô lão kể lại theo truyền khẩu về những gì đã xảy ra trên đất này giữa hai quân Chiêm - Việt.

Khi hai quân Chiêm - Việt đối đầu chuẩn bị cuộc đánh nhau, người Chiêm ỷ lại mình có tài xây thành thạo tháp gạch nên nhanh chóng thách đấu với quân Đại Việt: Hai bên cùng xây tháp, bên nào xong trước, bên ấy thắng, bên thua phải rút quân đi. Quân Việt chấp nhận…

Bên bờ nam, quân Chiêm tích cực ngày đêm không nghỉ nung gạch, giã nhớt cây, đẽo đá tạc tượng… và chỉ mới mấy ngày mà dáng tháp của người Chiêm đã lồ lộ muốn hoàn thành. Bên bờ bắc chỉ nghe quân binh rập ràng hát xướng, quân Chiêm bờ nam chắc mẩm quân Việt phen này sẽ thua.

Nhưng quân Chiêm đã lầm. Hát xướng của quân Việt là tạo nhịp nhàng cho việc đẵn gỗ đốn tre, kết thành giàn chờ dựng, mặc quân Chiêm bờ nam cần cù cặm cụi xếp xây. Chờ đêm đến, đèn đuốc sáng trưng, hát hò xởi lởi, quân Việt dựng đứng các giàn cao nghệu, phất giấy, tô màu xứng hợp thành ngọn tháp. Sáng ra, quân Chiêm nhìn sang, thấy tháp quân Việt không những đã hoàn thành mà còn cao vượt thì tá hỏa, nhìn lại công trình mình thì ôi thôi, chỏm tháp mới xây dở dang. Quân Chiêm chấp nhận thua theo lời giao ước, rút đi. Quân Việt qua sông chiếm thành (?) không mất một hòn tên mũi đạn. Chuyện kể về một chiến công lừng lẫy sao mà êm ái, chỉ đấu trí thôi chứ không gươm vung giáo thọc, chẳng mất một mạng người! Phải chăng người xưa ở đây, nơi chính cửa quan Cu Đê này đã gửi lại câu chuyện để góp vào lời giải thích lịch sử?

Thật vậy, cuộc hành quân chinh phục tưởng chừng như sấm dậy đất bằng mà mở màn bằng một trận chiến êm ái như chuyện kể dân gian, chỉ nhờ vào “bề tôi yêu nước khéo trù liệu để quân địch nộp cửa ải theo kỳ hẹn” thì quả là cuộc chiến tranh nhẹ và đẹp tựa... hoa hồng!


 

Chuyện xưa xứ Quảng

 

Truyền thuyết Đá Bà Trường Định

06:56, 10/10/2015 (GMT+7)

Đứng ở cầu Nam Ô Thượng bắc qua sông Cu Đê trên đường tránh Nam Hải Vân có thể nhìn thấy cận cảnh một hòn núi như vách đá dựng sát bên bờ bắc cửa sông này. Đó là núi Trường Định, thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Giữa sườn núi phía nam, một hòn đá to vượt cỡ có hình tượng đầu người gắn cheo leo trên vách, người dân trong vùng gọi là Đá Bà.

Đá Bà cận cảnh. Ảnh: Đ.D
Đá Bà cận cảnh. Ảnh: Đ.D

Trên núi các loại cây bụi mọc đầy chen lẫn với đất đá lô nhô phân bố từ chân núi sát bờ sông lên đỉnh núi không cao không thấp ấy một màu xanh lỗ chỗ. Đến gần hơn nữa ngọn núi có tên là Đá Bà này, men theo đường tráng nhựa sát bờ sông, lại thấy thêm một hòn đá cũng to khác thường so với đá gành chung quanh, dân sơn tràng hay khách đò dọc thường gọi là Đá Ông.

Đá Bà thật khéo đặt. Dưới ánh nắng xiên lúc 9 giờ sáng hay mặt trời xế chiều, nếu may mắn đối diện Đá Bà đúng thời điểm này sẽ thấy hình tượng một bà lão má hóp, miệng móm, mắt sâu, đưa ánh nhìn xa xăm về phương nam, ẩn chứa một điều gì như muốn kể.

Còn Đá Ông – cũng là kết quả của một trí tưởng tượng đằm đằm, một hòn đá có hình tượng một người vục mặt xuống bến sông, nhô lên chiếc lưng trần đen nhẻm dưới ánh nắng.

Đá Bà lại có Đá Ông. Hay nhỉ! Hai cụ tượng như một sự sắp xếp cố tình mang tính đối ngẫu của tạo hóa, đã kích thích cho trí tưởng của trần gian thêu dệt nên biết bao truyền thuyết, có chuyện mang ý nghĩa trào lộng khôi hài đem lại tiếng cười, có chuyện thì huỵch toẹt lông bông thế tục như dặn thế gian cảnh giác, nhưng cũng có chuyện phát sinh bởi hốc mắt sâu đăm đắm đầy tâm trạng kia của Đá Bà mà gợi những truyền thuyết mang hơi hướng lịch sử.

Chuyện thứ 1: Ngày xưa có đôi vợ chồng, quanh năm chài lưới ở ven sông, sống với nhau rất là hạnh phúc. Ngày kia, ngồi chờ cá rộ theo con nước, hai vợ chồng nhàn nhã ngồi bên vách núi... bắt chí cho nhau. Lúc vợ bắt chí cho chồng, ông chồng vô tình đánh rắm (dân gian gọi nôm na là “xì hơi”), bà vợ giật mình, theo phản ứng tự nhiên bèn xô đầu ông chồng ra xa. Ông chồng xuất kỳ bất ý, ngã chúi lăn lóc xuống chân gành. Chờ mãi không thấy ông lên, bà bèn xuống tìm thì ông đã vục đầu xuống sông mà bỏ mạng, bà tiếc thương kêu khóc, ngày đêm đưa ánh mắt sục tìm rồi hóa đá thành Đá Bà. Còn ông thì úp mặt xuống nước tai nghe tiếng khóc bơ vơ thảm thiết của vợ mà chẳng thể đáp lời, đau lòng mà hóa thành Đá Ông!

Chuyện thứ 2: Cũng ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng quanh năm chài lưới ở ven sông, vợ lo bếp núc, chăm con, chồng thì ưa đàn đúm bạn bè nhậu nhẹt. Mỗi lần được con tôm to, con cua cớm là mỗi lần bà lại lo, ông không rủ bạn về nhà thì cũng theo bạn chè chén. Một hôm, trời đã chiều rồi, cá đang rộ theo con nước lên mà ông còn đằm mình đâu đó. Bà ở nhà nhìn sông mà nóng ruột, hết đi ra lại đi vào. Đến chạng vạng ông mới xiêu vẹo mò về, bà tức mình xô ra cửa… Trong cơn say bù khú không gượng được, ông lăn cù xuống chân núi. Bà chờ cả đêm chẳng thấy ông lên, sáng ra đi tìm thì đã thấy ông úp mặt vào sông không bao giờ dậy nữa… Bà hối hận, trách mình sao chẳng kìm lòng, thương chồng than khóc ngày đêm rồi hóa đá thành Đá Bà. Ông thì vục đầu trong cơn say thiên cổ, lâu dần cũng hóa đá thành Đá Ông mà nhắc nhở trần gian!

Chuyện thứ 3: Lại cũng ngày xưa, có người phụ nữ tiễn chồng con theo vua Nam tiến, chờ đến già mà cả hai vẫn biền biệt không thấy trở về. Bà lên núi ngồi trông, lâu ngày hóa đá thành Đá Bà. Chuyện tuy ngắn mà ý nghĩa sâu dài, phù hợp với tâm cảm của người phụ nữ Việt Nam trong diễn trình lịch sử dài dằng dặt. Hình ảnh người chinh phụ trong các cuộc chiến tranh triền miên đã gợi hứng cho dân gian dựng nên truyền thuyết này.

Người ta kể, ngày xưa thợ sơn tràng ngược sông vào rừng, qua đây thường khấn vái để được Bà phù hộ an toàn. Núi Đá Bà, chân núi sát bờ sông, gành đá lô nhô. Biết bao câu chuyện ma mị huyễn hoặc được kể lại từ những ông lão đi câu trên gành đá này thuở trước. Đá Ông dầm mình trong nước, nước lên nước xuống tạo ra âm thanh oàm oạp mơ hồ làm người ta liên tưởng đến những chuyện kể ngày xưa để thành tiếng than đầy tâm trạng, nghe mà nổi da gà.

Ngày nay đứng tận dưới cửa sông Cu Đê, cách núi Trường Định hơn ba cây số vẫn thấy Đá Bà sừng sững cheo leo. Muốn đến tận nơi mà chiêm ngưỡng hai hòn đá nhiều truyền thuyết này thì hãy theo đường Ngô Xuân Thu (phía bắc cầu Nam Ô trên quốc lộ 1A) sát bờ sông Cu Đê chạy lên đến thôn Trường Định. Biết đâu có thể sẽ nghe thêm nhiều chuyện kể lý thú khác nữa…

ĐẶNG DÙNG

 

.

Chuyện xưa xứ Quảng

 

Mắm ngọt Nam Ô

06:52, 22/08/2015 (GMT+7)

Đất Nam Ô, ngoài nước mắm thương hiệu Nam Ô lừng danh trong vài thế kỷ qua, được gần xa biết tiếng bởi chất lượng tuyệt hảo, còn có một loại mắm được xem là đặc sản “ăn xổi” mà có thể chỉ nơi này mới có: Mắm ngọt!

Chế biến nước mắm Nam Ô.  (Ảnh do Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô cung cấp)
Chế biến nước mắm Nam Ô. (Ảnh do Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô cung cấp)

Mắm ngọt? Đã mắm thì mặn chứ sao lại ngọt?! Câu trả lời chính xác chỉ khi đã thử qua. Một vị ngọt đặc trưng hấp dẫn được chiết xuất từ tinh con cá đỏ hòa với tinh muối thiên nhiên vừa đủ cho một sự pha trộn tuyệt vời làm nên vị ngọt đậm đà. Hít hà bởi ớt cay, dậy mùi bởi hương chanh hương mắm làm người ta không cưỡng nổi khi đã thử qua một lần.

Gọi là đặc sản “ăn xổi” bởi vì nó là loại mắm ngắn ngày được làm bất kỳ mùa nào trong năm khi ngư dân đánh được loại cá cơm đỏ nhỏ con. Tuy nhiên, mắm ngọt sản xuất ở mùa thu khi tiết sương giáng ngự trị đất trời thì mới cho chất lượng tuyệt hảo hơn gấp bội, có lẽ bởi tiết trời dịu mát làm cho bữa cơm có thêm mắm ngọt này thêm ý vị chăng? Khi mùa rộ vào tháng 7, tháng 8 âm lịch, những bộng cá cơm đỏ có cỡ bằng nhau (dân gian gọi là “đều con”) như đầu mút đũa là đúng sự lựa chọn của người làm ra loại mắm này.

Sau khi chọn cá, người ta rửa sạch bằng nước biển, để ráo và đem muối theo công thức 10 cá 1 muối (10 chén cá + 1 chén muối). Dùng tay trộn đều hỗn hợp ấy rồi phân ra từng thẩu nhỏ đem ủ trên 3 ngày, khi thấy mắm trong thẩu “đứt chưn” (các con mắm nổi lên trên, phía dưới toàn là nước), dỡ nắp ngửi nghe dậy mùi là ăn được.

Khi ăn, múc mắm ra chén, giã ớt đỏ (tạo màu), tỏi, thêm ít bột ngọt, vắt lát chanh là đã “ngộ” được một phần món ăn đặc sản đầy hấp dẫn này. Chén mắm chờ đợi đũa rau lang luộc dân dã chấm vào! Sang hơn thì thịt heo ba chỉ.

Mấy bà cụ tám, chín chục tuổi ở làng Nam Ô kể, ngày xưa “cơm cao gạo kém”, trong nhà không dám dọn món mắm ngọt lên mâm, sợ đám con cháu đánh bay hũ gạo. Chừ thì trong mâm cơm có chén mắm này, ai mà “lỡ” đụng đũa vào thì tất cả cao lương mỹ vị trong mâm đều vô nghĩa. Ai nửa tin nửa ngờ cái lối ca cường điệu của người dân Nam Ô thì cứ thực nghiệm xem. Riêng người viết đã từng thử và mê ngay lúc chạm đũa đầu tiên. Quả vậy, mắm ngọt Nam Ô thật tuyệt hảo!

Người Nam Ô không làm nhiều loại mắm này, chỉ đủ để dùng trong nhà, nhiều thêm chút thì làm quà biếu bạn thân, hay hơn nữa lại đem chào bán ngoài chợ trong mùa cá rộ. Người ta có thể dễ dàng mua nhiều lít nước mắm Nam Ô tuyệt hảo (loại thông thường) bất cứ lúc nào nhưng với mắm ngọt này thì không dễ. Muốn mua, khách cần phải dặn trước. Loại mắm ngọt thành phẩm ngắn ngày nên ăn cũng phải nhanh chóng. Mắm ngọt lạt muối, để lâu quá là hỏng.

Tất nhiên mỗi người làm loại mắm này có bí quyết riêng của họ. Và dù người làm chưa thật khéo léo, thuần thục, thì loại mắm này vẫn ngon nổi trội so với  các loại mắm thông thường.

Ở Nam Ô, rất nhiều người vợ ngư dân giữ được phương pháp ủ mắm bí truyền từ ông bà xưa của họ để lại. Trong làng có bà Phạm Thị Muối là một trong nhiều người “mát tay” với loại mắm ngọt. Bà có sui gia ở hai đầu đất nước, một ở Hải Phòng, một ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là hai địa phương có nghề biển phát triển như quê hương Nam Ô của bà, không thiếu sản phẩm từ biển nhưng có lẽ thiếu một thứ là mắm ngọt Nam Ô. Đều đặn hằng năm bà cung cấp cho mỗi nơi ấy hàng trăm thẩu mắm ngọt Nam Ô qua hai đầu mối của hai con gái bà làm dâu hai xứ ấy. Có điều thú vị là mỗi lần gởi đi, bà còn nhận về ngoài tiền mắm là tiền thưởng hàng triệu đồng từ những khách hàng may mắn  được thưởng thức thứ đặc sản đầy cảm xúc này.

Ngày nay, người sản xuất loại mắm ngọt đã biết quảng bá cho sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Những cửa hàng bán nước mắm Nam Ô nổi tiếng dọc quốc lộ 1A xuyên qua Nam Ô (bây giờ là đường Nguyễn Lương Bằng) đã trưng bày thêm loại đặc sản này. Từng chồng thẩu nhựa loại 300ml đựng mắm bên trong đã thêm gia vị ớt cay giã nhuyễn có màu sắc rất bắt mắt. Khách vãng lai Nam ra Bắc vào, ghé các cửa hàng ấy, ngoài nhu cầu mua dăm bảy lít nước mắm chắc không thể từ chối loại mắm ngọt đặc sản Nam Ô. Hãy thêm món quà tuyệt hảo này cho bạn bè đang chờ ở quê nhà!

ĐẶNG PHƯƠNG TRỨ

   :: Các tin khác

 
Điện thoại : 0511.3691445 - 0511.3656697 * Email: quangtrung.thpt@yahoo.com
* - Website: thptquangtrung.vn * Website : thpt-quangtrung-danang.edu.vn